Nữ diễn viên My Trần đã có những chia sẻ về nghề diễn viên : Hào quang nhưng cũng đầy nước mắt.
Từng theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh quốc tế và tốt nghiệp thủ khoa ngành Diễn viên của trường Đại Học Sân khấu – Điện ảnh Tp.HCM, My Trần hiện đang là diễn viên của sân khấu kịch Hồng Vân. Ngoài các vở kịch cô đang tham gia như: “Chuyện kể lúc nửa đêm”, “Cung tâm kế”, “Điềm báo”, … My Trần còn để lại nhiều ấn tượng cho khán giả truyền hình qua các bộ phim: “Hoàng hôn dịu dàng”, “Nghiêng nghiêng dòng nước”, “Đại ca U70”,…
Biết được các bạn trẻ đang trong giai đoạn đến gần kì thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn ngành nghề trong tương lai cho mình, vừa qua My Trần đã có những chia sẻ trên trang cá nhân của mình về nghề diễn viên. Đây được xem là một ngành nghề đáng ước mơ của rất nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật. Bằng kinh nghiệm 8 năm theo nghề, nữ diễn viên đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về những vấn đề gặp phải khi chọn nghề diễn mà có lẽ ít ai có thể biết khi chỉ nhìn vào hào quang của nghề này.
Vì thần tượng một diễn viên nào đó mà quyết định làm diễn viên
Các bạn trẻ thường tìm đến ngành học diễn viên vì quá mê một bộ phim hay một vở kịch nào đó. Thậm chí, chỉ là thần một người diễn viên nên mong muốn sau này sẽ được giống như họ, được làm đồng nghiệp của họ. Bên cạnh đó, với ánh hào quang của sân khấu hoặc chỉ đơn thuần là “được lên tivi nổi tiếng”, các bạn đã quên xét đến một điều rất quan trọng là: Mình có tố chất và những điều kiện cần để làm diễn viên hay không?.
Hằng năm, trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Tp.HCM phải tuyển sinh từ hàng ngàn thí sinh để chọn ra vài chục sinh viên có đủ các “điều kiện cần” để đào tạo. Đó chưa kể là những Trung tâm đào tạo tư nhân đã phải đào tạo vô số bạn trẻ trở thành diễn viên nhưng đến khi ra trường lại không tìm được việc làm do không đủ năng lực. Khi đó, tuổi đời của các bạn không còn đủ lý tưởng để bắt đầu lại một ngành học mới. Chính vì thế, tự xét năng lực bản thân là một điều rất quan trọng khi theo học ngành này.
Chỉ có nghề diễn viên mới là làm nghệ thuật
Do không tìm hiểu kĩ về các ngành nghề, hoặc quá nóng vội, nên các bạn thường có những tư duy bó hẹp rằng: Làm diễn viên mới là làm nghệ thuật!. Thực ra, nói riêng về lĩnh vực sân khấu – điện ảnh, có rất nhiều ngành nghề cho các bạn lựa chọn như: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, hoạ sĩ thiết kế, nhà sản xuất … Trong giai đoạn hiện tại, diễn viên là một nghề khá cạnh tranh. Ngoài những diễn viên được đào tạo bài bản trong trường lớp, còn có những người nổi tiếng từ nhiều lĩnh vực khác có khả năng diễn xuất lấn sân sang, thậm chí còn là việc sử dụng những tên tuổi hot vì scandal để tạo hiệu ứng cho sản phẩm của các nhà sản xuất . Chính vì vậy, có thể nói nghề diễn trong giai đoạn này tuổi thọ khá thấp. Để sống lâu với nghề, bạn phải có sắc vóc, phải giỏi và may mắn.
Chính vì thế, nếu bị khuyết một trong các yếu tố trên nhưng có thẩm mỹ tốt, tư duy nhạy bén, kiến thức về văn hoá xã hội rộng rãi thì có thể chọn ngành học đạo diễn. Hoặc nếu trong giai đoạn còn ngồi trên ghế nhà trường giỏi về các môn khối A,B và có năng khiếu về kinh doanh thì có thể theo học các trường kinh doanh và trở thành một nhà sản xuất … không nhất thiết phải là diễn viên mới có thể làm nghệ thuật.
Yêu nghệ thuật và quên đi vấn đề kinh tế
Ngày nay, chúng ta đọc rất nhiều bài báo chia sẻ về vấn đề giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn khó khăn và đâu đó, chúng ta bắt gặp rất nhiều nghệ sĩ từ bỏ con đường nghệ thuật và chuyển hướng hẳn sang một nghề nghiệp khác. Điều đó cho thấy, đây là một ngành nghề rất gian nan và quy luật đào thải rất khắc nghiệt chứ không lung linh như những gì chúng ta thấy trên sân khấu và màn ảnh. Lời khuyên chân thành cho các bạn đó là dù làm gì đi chăng nữa, hãy đặt yếu tố kinh tế lên trước và suy nghĩ thấu đáo khi lựa chọn, nhất là với những bạn có gánh nặng về kinh tế, gia đình. Trừ khi bạn phải thật giỏi hoặc thật nổi thì bạn mới có thể thoải mái về thu nhập, còn nếu không sẽ vô cùng bấp bênh và buộc phải đi làm thêm một công việc khác để nuôi nghề.
Những yếu tố cần của một người diễn viên
Ngoài những điều kiện cần như: đam mê diễn xuất, sắc vóc, năng khiếu . Tôi nghĩ muốn trở thành một diễn viên giỏi cần trau dồi để có kiến thức và cả một tâm hồn. Cuối cùng, thứ không thể thiếu cho dù làm bất kì ngành nghề nào đó là tự tin vào bản thân, vào những quyết định của mình.
Cách tìm kiếm và thi vào trường nghệ thuật
Đối với trường chính quy thì khối S là khối bắt buộc. Bên cạnh đó, tuỳ theo từng ngành nghề mà sẽ có những phần thi năng khiếu đi kèm. Ví dụ như: diễn viên thì sẽ có phần thi tiểu phẩm và cảm thụ âm nhạc. Các bạn có thể tìm hiểu thông tin trên mạng về những phần thi năng khiếu để có sự chuẩn bị thật tốt và chính xác yêu cầu. Có rất nhiều cách luyện thi khác nhau như tra cứu tài liệu phim ảnh, sân khấu, đọc tác phẩm, lập nhóm xây dựng tiểu phẩm… hãy chọn cách học phù hợp nhất và chúc các bạn sẽ thành công trong kì thi sắp tới.
Theo Hoàng Gia/Xe và Thể Thao