"Bức thư tình gửi từ bệnh viện dã chiến" đã khiến nhiều người rung động bởi sự lạc quan và tình cảm ngọt ngào.
Thư tình gửi từ bệnh viện dã chiến: Đám cưới phải đợi khi dịch bệnh lùi xa
Em yêu thương!
Vậy là đã trải qua một tháng 12 ngày chúng ta đi vào tâm dịch, dù rằng chỉ ở cách nhau có 15 phút đi bộ thôi, nhưng chúng mình chưa thể gặp nhau.
Ngày đăng ký tình nguyện vào Sài Gòn, anh biết em không ngại khó khăn gian khổ, em chỉ băn khoăn khi hai người mẹ của chúng ta ngày đêm lo lắng. Nhưng em có biết không, mẹ rất tự hào về chúng ta, về những đứa con biết đi theo tiếng gọi của lương tâm, biết phải làm gì khi đồng bào cần đến.
Anh cũng tin rằng em không buồn khi chúng ta phải lên đường làm nhiệm vụ khi chỉ còn gần một tháng nữa tổ chức lễ cưới. Đành gác lại thôi em, khi đồng bào đang cần đến chúng ta, cần rất nhiều tới lực lượng ngành y hơn lúc nào hết. Anh hứa sẽ cùng em tổ chức một lễ cưới thật vui khi dịch bệnh lùi xa.
Đã khá lâu rồi anh chưa được nắm bàn tay em, để em cảm nhận được hơi ấm của tình yêu anh dành cho em. Giờ đây chúng mình hãy hãy nắm thật chặt bàn tay của bệnh nhân để họ bớt cô đơn, họ vững tâm rằng không bao giờ đơn độc dù đang phải đối mặt với hiểm nguy. Niềm tin đó sẽ giúp cho họ có thêm sức mạnh, vượt qua được phút giây sóng gió cuộc đời.
Anh biết rằng em cũng như anh, đã qua nhiều đêm thiếu ngủ, đôi bàn chân đứng nhiều đã sưng vì xuống máu. Nhưng em ạ, ngoài kia còn có nhiều người đang ngày đêm trực chốt, cùng thức để góp công góp sức cho cuộc chiến này.
Rồi nữa, từng đoàn người đã đến phút chót của sự lựa chọn, có người đành ôm đứa con nhỏ vừa tròn mười ngày tuổi vượt một ngàn bốn trăm km để về quê hương tá túc. Những chiếc xe đạp chở người thân lầm lũi về quê tránh dịch, những người cơ cực hơn đành phải đi bộ cả mấy trăm km để về nhà.
So với họ, chúng ta mới thấy rằng công việc của mình dù khó, dù đối chọi hiểm nguy nhưng vẫn còn dễ chịu hơn nhiều. Là vì chúng ta đang được làm công việc mà chúng ta đã lựa chọn.
Em biết không, dịch bệnh đã lấy đi của con người rất nhiều thứ. Không lúc nào như lúc này, một hơi thở căng đầy oxy cũng trở thành xa xỉ, nếu không gọi là quá đắt giá. Một bữa ăn có vài đũa rau xanh cũng hiếm dần đi.
Những bước chân của trẻ nhỏ tung tăng cùng con diều trên đường đê cũng chẳng thể nào thực hiện. Bộ đồ bảo hộ đã ngăn cách không gian của các em nhỏ, chúng không có tội tình gì mà phải xa lìa cha mẹ, lũn cũn ôm bọc đồ bước lên xe vào khu cách ly với chuỗi ngày dài xa vắng gia đình.
Trước mắt anh và em giờ đây, rất nhiều cụ già đang phải vừa đối diện với bệnh nền, vừa chống chọi với loài virus quái ác kia. Họ phải xa con xa cháu, họ phải cậy vào hỗ trợ của máy thở, của thuốc và thiết bị y tế. Chỉ còn niềm an ủi từ chúng ta thôi em ạ, nên mình phải cố gắng tiếp thêm sức mạnh cho họ nhé em.
Vịn vào yêu thương mà đứng dậy
Những lúc này, anh không được bên em vì nhiệm vụ. Những chúng ta vẫn có chung niềm vui, niềm vui đó diễn ra hàng ngày ngay bên cạnh anh và em. Sáng nay đây, nơi anh có ba cụ già cai được máy thở, một em bé có được kết quả PCR âm tính, ba mươi mốt người được xuất viện.
Và ngoài kia, hai khu phố được gỡ bỏ phong tỏa, số ca mắc mới của hôm nay đã giảm hơn hôm qua. Một số đoàn người hồi hương đã về đến đích, em bé mười ngày tuổi về quê cùng cha mẹ bằng xe máy đã có bà con ở Đà Nẵng hỗ trợ xe bằng xe ô tô để về nhà. Chúng ta cảm thấy ấm lòng phải không em?
Trong vali hành lý của em, anh đã để vào đó một gói kẹo sâm từ hôm em lên xe vào bệnh viện dã chiến. Mỗi lần mệt quá, em hãy ngậm một viên, cứ coi đó như nụ hôn của anh dành cho em. Và quan trọng hơn là em không được ốm, mình phải khỏe thì mới cứu chữa cho người khác khỏe lại, đúng không em?
Trời nóng, mặc đồ bảo hộ suốt ngày đêm nên rất nhanh mất nước, em hay chăm uống nước theo từng ngụm nhỏ để bù nước nhưng bớt phải đi vệ sinh. Đứng nhiều thì phải nhớ đổi chân, lâu lâu em nên ngồi nghỉ một vài phút để cơ thể tranh thủ phục hồi em nhé. Chúng ta không có quyền kiệt sức trong lúc này.
Nhiều người trong tuyến đầu chống dịch đã phải gác lại việc riêng để dồn sức chiến đấu với Covid-19. (Ảnh minh họa)
Em biết không, vui nhất là khi có người được xuất viện, họ ôm chặt từng người điều dưỡng, bác sĩ, họ gọi chúng ta là "ông tiên áo trắng". Nhưng anh lại nghĩ khác. Họ đã đủ niềm tin và sức mạnh để vượt qua thời khắc mong manh giữa cái chết và sự sống.
Họ không khuất phục trước bất kỳ một loại biến thể nào của con virus quái ác kia, vì họ còn có tình yêu của cuộc sống. Chúng ta chỉ là người hỗ trợ mà thôi. Bệnh nhân của chúng ta còn mạnh mẽ như vậy, thì anh với em, với đội ngũ ngành y và tất cả mọi người đều có một niềm tin sắt đá về một chiến thắng cận kề.
Rồi anh sẽ đưa em về thăm mẹ, thăm quê. Chúng ta sẽ đi trên những con đường đông vui trở lại. Được chen chân trên chuyến phà ngang sông mà không còn e ngại. Chiếc khẩu trang được thay thế bằng nụ cười rất tươi của cô hàng xén chợ quê. Trên triền đê rợp bóng diều rẽ gió. Người già ở quê lại được chống gậy tới thăm nhau và hàn huyên bên ấm chè xanh vườn nhà. Và ngày vui của anh và em, sẽ có mặt hết đầy đủ bạn bè...
Anh còn muốn viết thêm nhưng anh phải ngủ, bắt buộc phải ngủ một chút. Chuẩn bị cho đợt tiếp nhận bệnh nhân trở nặng đang được chuyển đến.
Hôn em, chúng ta sẽ gặp nhau trong ngày toàn thắng nhé, em yêu!
Người bạn áo blouse trắng của đời em.
***
Đó là bức thư tình gửi từ bệnh viện dã chiến đã làm lay động lòng người. Nhiều dân mạng "thú nhận", họ đã khóc khi đọc những dòng tâm sự trên. Nhiều người cũng tò mò về hai nhân vật chính của câu chuyện, về tình yêu đẹp đẽ nở giữa "chiến hào" Covid-19 của họ.
Thực ra, bức thư này là do anh Nguyễn Duy Hà, một người sống ở Lâm Đồng chấp bút. Bức thư được anh viết từ cảm xúc với những người hùng áo trắng đang căng mình chống dịch, trong đó có cả các cặp đôi phải tạm dừng hôn sự để làm nhiệm vụ.
Dù không phải do một bác sĩ tự viết, gửi người yêu mình từ nơi một hơi thở tròn vẹn cũng là xa xỉ, bức thư ấy vẫn nói hộ nỗi lòng nhiều người. Tình thần lạc quan, sự động viên tích cực mà tác giả để lại trong từng câu chữ vẫn khiến người đọc cảm thấy rung động.
Theo Soha